1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

TPHCM phân vùng chống ngập, định hướng không gian ngầm trong tương lai

Q.Huy

(Dân trí) - Trong tương lai, TPHCM sẽ áp dụng công cụ quy hoạch để giải quyết vấn đề ngập nước. Thành phố cũng đưa ra định hướng phân chia các vùng đô thị và phát triển không gian ngầm.

Tại kỳ họp lần thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TPHCM diễn ra sáng 19/5, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố, đã báo cáo tới các đại biểu về tình hình lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, TPHCM sẽ áp dụng công cụ quy hoạch để giải quyết vấn đề ngập nước và đưa ra những định hướng cho việc phát triển không gian ngầm.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND thành phố, nhận định, nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM hướng tới phát triển thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia.

Đồ án cũng tạo điều kiện để địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

TPHCM phân vùng chống ngập, định hướng không gian ngầm trong tương lai - 1

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, trình bày tờ trình tại kỳ họp (Ảnh: Hải Long).

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, trong chiến lược và giải pháp chống ngập giai đoạn tới, TPHCM tiếp tục kế thừa định hướng Quyết định 1547 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM. Thành phố sẽ phân chia 3 vùng chống ngập gồm vùng 1 là toàn bộ TPHCM ngoài TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ; vùng 2 là TP Thủ Đức; vùng 3 là huyện Cần Giờ.

Đối với TP Thủ Đức và phần còn lại (vùng 1, vùng 2), TPHCM sẽ bổ sung giải pháp hạ tầng và phân chia vùng ưu tiên đầu tư để phù hợp với ngân sách cũng như đảm bảo khả năng chống ngập thường xuyên do mưa và triều.

Trong đó, lớp bảo vệ có cấu phần chính là hệ thống đê ngăn triều và lũ từ Bến Súc dọc theo sông Sài Gòn cho đến Đức Hòa và hệ thống 12 cống ngăn triều lớn theo Quy hoạch 1547.

Lớp thích ứng là hệ thống vùng trữ ngập. Khu vực trữ ngập có diện tích khoảng 17% tổng diện tích vùng bao gồm hệ thống kênh rạch tự nhiên, hồ điều tiết, vùng trữ ngập phân bổ trong đất cây xanh công viên và đô thị.

Lớp giảm thiểu thiệt hại là hệ thống đường bộ và đường thủy có khả năng tiếp cận nhanh vùng sự cố và hệ thống cảnh báo ngập thời gian thực.

Đối với vùng 3 (huyện Cần Giờ), thành phố dự kiến không xây dựng đê kè, tôn nền sát bờ sông gây co hẹp dòng chảy sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Các khu vực phát triển tại huyện Cần Giờ được khuyến khích ứng dụng giải pháp thích ứng có khả năng sống chung với ngập do triều.

Đối với định hướng quy hoạch không gian ngầm, Phó chủ tịch UBND TPHCM thông tin, địa phương dự kiến phân vùng theo 3 khu vực. 

Khu vực khuyến khích xây dựng không gian ngầm được xác định nằm chủ yếu trong phân vùng đô thị trung tâm (bên trong vành đai 2). Đây là khu vực tập trung đông dân cư mật độ cao và không còn nhiều quỹ đất để phát triển, cũng là khu vực tập trung của mạng lưới đường sắt đô thị và nhà ga ngầm.

TPHCM phân vùng chống ngập, định hướng không gian ngầm trong tương lai - 2

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, và bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND thành phố, trao đổi bên lề phiên họp (Ảnh: Hải Long).

Các khu vực hạ tầng tại nhà ga trung tâm hoặc ga trung chuyển, các trung tâm đô thị của thành phố cũng được khuyến khích phát triển không gian ngầm để gia tăng mật độ và khai thác tối ưu giá trị đất đai.

Khu vực xây dựng không gian ngầm có kiểm soát bao gồm các khu quân sự, khu vực tự nhiên sinh thái và khu vực di tích, tôn giáo, văn hóa lịch sử của thành phố.

Khu vực hạn chế phát triển không gian ngầm nằm tại các khu vực gần biển, hành lang thoát nước, khu vực hồ điều tiết. Những nơi này sẽ gia tăng chi phí xây dựng, bảo dưỡng bởi nước nhiễm mặn, và tại các hành lang thoát nước.

Chức năng sử dụng không gian ngầm cũng được thành phố phân chia theo 3 tầng tương ứng với chiều sâu sử dụng là tầng nông, tầng sâu, tầng rất sâu.

Trong đó, tầng nông sử dụng cho các chức năng giao thông tĩnh, đường đi bộ, ga công cộng tích hợp khu thương mại, nút giao khác mức, hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tầng sâu sử dụng cho các chức năng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tập trung, hệ thống giao thông công cộng ngầm, hệ thống đường giao thông ngầm. Tầng rất sâu sử dụng cho các chức năng hệ thống kỹ thuật liên vùng như đường điện cao thế, hệ thống thoát nước.

TPHCM phân vùng chống ngập, định hướng không gian ngầm trong tương lai - 3

TPHCM sẽ sử dụng công cụ quy hoạch để giải quyết bài toán chống ngập trong tương lai (Ảnh: Nam Anh).

Với tầm nhìn là hạt nhân của Vùng TPHCM và Vùng Đông Nam Bộ, đi kèm các mục tiêu phát triển đầu tư lớn, đạt tầm quốc tế, có thích ứng biến đổi khí hậu cũng như các yêu cầu mới, địa phương cũng đưa ra định hướng hình thành các phân vùng để phát triển.

Phân vùng đô thị trung tâm gồm các quận 1, 3,4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, một phần quận 12. Phân vùng có tổng diện tích khoảng 17.000ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 4,5 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Đông là TP Thủ Đức với tổng diện tích khoảng 21.000ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,1 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn, một phần quận 12. Phân vùng có tổng diện tích khoảng 58.500ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,4 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Tây gồm phần lớn là huyện Bình Chánh. Nơi đây có tổng diện tích khoảng 23.300ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 840.000 người.

Phân vùng đô thị phía Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, và toàn bộ huyện cần Giờ. Phân vùng có tổng diện tích 93.300ha, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,2 triệu người.

Ảnh: Hải Long

Dòng sự kiện: TPHCM vào mùa mưa