1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyên gia "giải mã" cuộc tấn công lớn của Nga vào Ukraine

An Hoàng

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định, cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng Ukraine đêm 7/5, rạng sáng 8/5 nhằm làm suy yếu lưới điện và hệ thống phòng không Ukraine trước khi có sự hỗ trợ an ninh của Mỹ.

Chuyên gia giải mã cuộc tấn công lớn của Nga vào Ukraine - 1

Ukraine đối phó vụ tập kích của Nga đêm 7/5, rạng sáng 8/5 ở Kiev (Ảnh: Reuters).

"Lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong đêm 7/5, rạng sáng ngày 8/5. Moscow tiếp tục xoáy sâu vào hệ thống phòng không vốn đã xuống cấp của Kiev trước khi Ukraine có được gói cứu trợ an ninh từ Washington và phương Tây", Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ bình luận.

Theo các chuyên gia, đây đã là lần thứ 5 Nga tổ chức cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine kể từ ngày 22/3.

Ngoài ra, ISW cho biết quân đội Nga cũng tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng giao thông của Ukraine trong những tuần gần đây. Giới quan sát cho rằng đây có thể là một nỗ lực nhằm gây gián đoạn tuyến liên lạc trên mặt đất của Ukraine, đồng thời hạn chế nguồn lực quân sự viện trợ mà Mỹ gửi tới khu vực chiến sự.

Theo đó, lực lượng Nga liên tiếp tổ chức các đợt tấn công mạnh bằng một loạt tên lửa và máy bay không người lái. Điều này cho thấy Moscow đang ưu tiên mục tiêu cắt đứt mạng lưới điện của Ukarine. Bên cạnh đó, Moscow có thể tận dụng ưu thế về tiềm lực tên lửa để tối ưu hóa các cuộc tấn công vào hệ thống phòng không sắp cạn kiệt của Kiev, gây ra thiệt hại đáng kể.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius cho hay Nga đang chế tạo nhiều vũ khí hơn mức cần thiết cho cuộc chiến tại Ukraine, và đang tích trữ trong kho. Theo ông, nhờ việc tăng ngân sách cho sản xuất vũ khí và tối ưu hóa nền kinh tế theo mô hình thời chiến, "một bộ phận đáng kể vũ khí Nga chế tạo không còn được đưa ra tiền tuyến, mà được cất vào kho dự trữ".

Điều này trái với dự báo của giới phân tích phương Tây rằng Nga sẽ sớm cạn kiệt khí tài, đạn dược do tổn thất lớn sau hơn 2 năm xung đột cũng như loạt lệnh cấm vận, trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine