Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại tương đương 3,6% GDP

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Thủ đoạn chính của tội phạm mạng là đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Do vậy, người dân cần tự trang bị kiến thức để đối phó.

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại tương đương 3,6% GDP - 1

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Sáng nay 13/5 tại Hà Nội, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia đã tổ chức Hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Sự kiện này nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra.

Phát biểu tại sự kiện, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, loại hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã có những sự thay đổi nhanh chóng, trở nên nguy hiểm và khó lường hơn rất nhiều. Đó là sự chuyển dịch thành tội phạm mạng.

Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, người dùng nằm tại vùng trũng trong kiến thức và kỹ năng sử dụng Internet như người già, sinh viên, người có thu nhập thấp, trẻ em... là những đối tượng bị nhắm đến nhiều hơn cả.

Trích thống kê từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin (Bộ Thông tin- Truyền thông), Thượng tướng cho biết trong năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về tình trạng lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại ước tính 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP.

Trong đó, 91% cảnh báo liên quan tới giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. 

Đáng chú ý, tỉ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%. Thủ đoạn chính của kẻ gian là đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Điều này cho thấy sự đảm bảo an toàn của người dùng Việt Nam trên môi trường mạng còn nhiều hạn chế. 

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại tương đương 3,6% GDP - 2

Tội phạm mạng chủ yếu đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Getty).

"Thông qua đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an nhận thấy hoạt động của các đối tượng rất chuyên nghiệp, có tổ chức phân công vai trò cụ thể", Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết.

"Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng, lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt ra nước ngoài để thực hiện hành vi phạm tội".

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, phương thức, thủ đoạn phạm tội của nhóm đối tượng này rất tinh vi, sử dụng công nghệ khai thác, giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng để gọi điện, kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các chuyên gia tại sự kiện, công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Toàn dân cần chung tay phòng chống tội phạm lừa đảo

Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại tương đương 3,6% GDP - 3

Ông Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cho rằng phòng chống tội phạm lừa đảo cần sự chung tay của toàn dân (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Theo ông Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, việc phòng chống tội phạm mạng trong thời đại mới là "cuộc chiến" của toàn dân. Nghĩa là mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp… đều đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức, lan tỏa tính cấp thiết của vấn đề.

Bởi lẽ đó, việc trao đổi, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân nhằm đánh giá toàn diện, làm rõ nguyên nhân, thống nhất, xác định giải pháp tháo gỡ triệt để các vấn đề liên quan.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng theo 3 hướng: Những giải pháp cụ thể đã đang thực hiện có hiệu quả, cần phát huy; khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; những giải pháp cần bổ sung và thúc đẩy triển khai.

Đại diện Cục An ninh mạng, Phòng chống tội phạm công nghệ cao cho rằng cần sớm xây dựng các quy định pháp luật về thế trận toàn dân phòng chống tội phạm lừa đảo, từ đó hình thành nên các mô hình, quy trình, cơ chế thống nhất giữa các cơ quan doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra, việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, triển khai các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về an ninh mạng cũng rất quan trọng.

Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mạng, qua đó bảo đảm cao nhất an ninh con người, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.